Nội dung chính
Khi có vấn đề đường hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi phế quản. Thế nhưng, không phải ai cũng biết thủ thuật này là như thế nào. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về nội soi phế quản, mời các bạn cùng đón đọc!
Nội soi phế quản là gì?
Nội soi phế quản là gì?
Nội soi phế quản là thủ thuật sử dụng một ống nhỏ đưa vào đường hô hấp của người bệnh để quan sát cấu trúc bên trong. Thiết bị chuyên dụng này được gắn đèn và camera ở một đầu. Nó giúp bác sĩ quan sát các bộ phận trong đường hô hấp như khí quản, dây thanh âm, thanh quản, hầu họng, hoặc những đường dẫn khí nhỏ hơn.
Nội soi phế quản thường được thực hiện qua đường miệng hoặc mũi, ở các phòng mổ, hồi sức hoặc nơi đủ nguồn lực để xử trí trường hợp cấp cứu về hô hấp. Người bệnh sẽ được dùng thuốc an thần và giảm tiết dịch để ngăn dịch tiết từ miệng, cản trở việc quan sát. Đôi khi, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ để làm tê màng nhầy của hầu họng, thanh quản và khí quản. Người bệnh được theo dõi huyết áp, điện tim và oxy máu trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
Hiện nay, y học có hai loại ống soi phế quản là ống cứng và ống mềm. Mỗi loại có những ưu điểm riêng và được ứng dụng trong từng bệnh cảnh khác nhau, cụ thể:
- Ống soi phế quản cứng: Là một ống thẳng, kích thước lớn, chỉ dùng để xem đường thở trên. Thủ thuật này thường được áp dụng để can thiệp các trường hợp như lấy dị vật, bỏ khối u, đặt stent, cầm máu…
- Ống soi phế quản mềm: Được sử dụng thường xuyên hơn. So với ống soi phế quản cứng, ống soi phế quản mềm linh hoạt hơn, có thể di chuyển xuống các đường dẫn khí nhỏ như tiểu phế quản. Màn hình camera có độ phân giải cao, màu sắc chân thực nên bác sĩ dễ dàng can thiệp vào những vị trí khó tiếp cận. Nhờ đó, loại này còn dùng để đặt ống thở vào trong đường thở giúp cung cấp oxy, hút ra dịch tiết, lấy mẫu mô làm sinh thiết hay bơm thuốc điều trị vào phổi.
Ống nội soi phế quản mềm
Nội soi ống mềm có thể thực hiện khi bệnh nhân ngồi hoặc nằm ngửa. Khi đưa ống soi vào đường hô hấp trên, bác sĩ sẽ kiểm tra các dây thanh. Dụng cụ tiếp tục đi vào khí quản xuống hệ thống phế quản. Mỗi khu vực đều được kiểm tra cẩn thận. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ lấy mẫu bằng cách sử dụng bàn chải, kim, hay kẹp.
Nội soi ống mềm cũng được thực hiện trên bệnh nhân đặt nội khí quản. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ qua bộ tiếp hợp kết nối với ống nội khí.
Nội soi phế quản để làm gì?
Nội soi phế quản là thủ thuật mang lại rất nhiều lợi ích trong y khoa, cụ thể:
- Giúp tìm ra nguyên nhân các vấn đề về hô hấp, các dị vật trong đường hô hấp: Bệnh lý đường hô hấp rất đa dạng, có thể kể đến như ho ra máu, ho kéo dài, khó thở, viêm phổi, viêm phế quản, một số vùng của đường hô hấp bị hẹp… Với tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, các bệnh lý này ngày càng phổ biến hơn.
- Chẩn đoán các bệnh lý về phổi: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, viêm phế quản mãn tính.
Nội soi phế quản để chẩn đoán các bệnh lý ở phổi
- Nội soi phế quản để lấy mẫu tế bào mô: Sử dụng ống nội soi đưa dụng cụ vào trong cơ thể bệnh nhân để lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm, kiểm tra sự phát triển của khối u. Việc này giúp bác sĩ theo dõi sát sao tình hình bệnh nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Nội soi phế quản ống mềm giúp bác sĩ quan sát được những tổn thương mô, tế bào trong cơ quan hô hấp. Từ đó, họ chẩn đoán đúng tình trạng bệnh nhân và đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp.
- Điều trị các bệnh lý hô hấp, các dị vật bằng phương pháp nội soi.
Một số lưu ý khi nội soi phế quản
Người bệnh cần nhịn ăn từ nửa đêm hôm trước để sáng hôm sau nội soi phế quản, tránh nguy cơ hít sặc dịch thức ăn cũ từ dạ dày trong quá trình thao tác.
Thủ thuật này không đau đớn nhưng người bệnh vẫn cần ở lại theo dõi vài giờ trong bệnh viện. Bác sĩ sẽ quan sát cả huyết áp và nhịp thở trong thời gian này để tránh các biến chứng.
Bạn có thể ăn uống trở lại khi có phản xạ ho, thường trong vòng 2 giờ. Nếu bác sĩ dùng thuốc an thần, bạn không nên lái xe, vận hành máy móc và uống rượu trong 24 giờ tiếp theo.
Hầu hết, người nội soi phế quản đều có thể sinh hoạt bình thường sau khoảng 24 giờ. Tuy nhiên, một số trường hợp bị đau họng, khàn giọng trong vài ngày tiếp theo.
Các di chứng của nội soi phế quản là gì?
Các di chứng của nội soi phế quản
Trong hầu hết các trường hợp, ống nội soi phế quản mềm thường được sử dụng nhiều hơn so với ống cứng. Nhờ tính linh hoạt, quá trình thực hiện thủ thuật ít nguy cơ làm tổn thương nhu mô trên đường thở. Hơn nữa, ống mềm còn cho phép bác sĩ thực hiện thủ thuật tốt hơn, dễ dàng tiếp cận đến các khu vực nhỏ hơn của đường thở.
Tuy nhiên, tương tự như các can thiệp khác, nội soi phế quản cũng tiềm ẩn một số rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng, thủng phế quản, kích thích gây co thắt phế quản, co thắt thanh quản, tràn khí màng phổi,… Chính vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nào sau khi thực hiện nội soi phế quản, bạn cần đến khám lại ngay để được kiểm tra và kịp thời xử lý.
Đến đây, hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về thủ thuật nội soi phế quản. Thủ thuật này vừa giúp chẩn đoán, vừa hỗ trợ điều trị vấn đề trên đường hô hấp. Do đó, nó được áp dụng phổ biến trong y khoa. Tuy nhiên để đảm bảo tính an toàn, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín, nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: