Nội dung chính
Dung tích sống gắng sức là một trong những chỉ số có nhiệm vụ thăm dò chức năng hô hấp. Thuật ngữ này còn khá mới mẻ đối với nhiều người. Vậy cụ thể, dung tích sống là gì, cách đo dung tích sống sẽ được thực hiện như thế nào?
Khi nào cần đo dung tích sống gắng sức?
Dung tích sống gắng sức là gì?
Dung tích sống gắng sức (Forced Vital Capacity – FVC) là lượng không khí thở ra nhanh và mạnh sau khi gắng sức hít thở sâu nhất có thể. Đây là một trong những chỉ số đánh giá chức năng thông khí phổi được đo bằng phép đo phế dung.
Dung tích sống gắng sức có thể giúp phân biệt các bệnh phổi tắc nghẽn (là các bệnh khiến bạn khó thở ra hết không khí từ phổi, như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…) với các bệnh phổi hạn chế (là các bệnh phổi khiến bạn gặp khó khăn khi hít không khí vào phổi, như xơ phổi và sarcoidosis).
Ngoài ra, dung tích sống gắng sức cũng được dùng để đánh giá sự tiến triển của bệnh phổi cũng như hiệu quả điều trị.
Chỉ định và chống chỉ định đo dung tích sống gắng sức FVC
Chỉ định
Dung tích sống gắng sức thường được các bác sĩ chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân khó thở, thở khò khè hoặc bị ho dai dẳng.
- Đánh giá chức năng hô hấp khi mức oxy trong máu xuống thấp.
- Đánh giá chức năng của hô hấp trước khi tiến hành phẫu thuật, cần phải nắm được nhịp thở có ổn định hay không trước khi thực hiện thủ thuật, đặc biệt là các ca phẫu thuật phổi.
- Đánh giá ảnh hưởng của bệnh tim đến khả năng thở của bệnh nhân.
- Lập kế hoạch cho chương trình phục hồi phổi ở người bệnh phổi.
Chống chỉ định
Mặc dù là phương pháp an toàn nhưng dung tích sống gắng sức vẫn sẽ chống chỉ định với một vài trường hợp sau:
- Người bệnh ho ra máu không rõ nguyên nhân, việc thực hiện FVC có thể khiến cho tình trạng ho trở nên nặng hơn.
- Người bệnh mới được chẩn đoán mắc nhồi máu cơ tim, các bệnh tim mạch khiến cho tim không ổn định hoặc thuyên tắc phổi.
- Người bệnh mới làm phẫu thuật mắt: Áp lực nhãn cầu có thể bị gia tăng nếu như thực hiện FVC.
Cách đo dung tích sống gắng sức (FVC)
Quy trình đo
Đo dung tích sống gắng sức (FVC) được thực hiện như sau:
- Người bệnh mặc áo quần thông thoáng, rộng rãi ngồi trên ghế, thở thoải mái.
- Đặt một chiếc kẹp lên mũi người bệnh.
- Đưa ống thở vào miệng của người bệnh và bịt kín môi để không khí không bị thoát ra ngoài.
- Hít vào càng sâu càng tốt và thở ra mạnh nhất có thể.
- Lặp lại quy trình này ít nhất 3 lần để có giá trị trung bình và đồng nhất.
Minh họa cách sử dụng máy đo
Lưu ý khi đo
Để cho việc đo dung tích sống gắng sức được đảm bảo an toàn và chính xác nhất có thể, khi thực hiện người bệnh sẽ cần lưu ý những thông tin sau:
- Tuyệt đối không sử dụng chung thiết bị đo giữa các bệnh nhân.
- Trong lần đầu tiên thực hiện phép đo này, bệnh nhân cần được giám sát y tế.
- Cần mang theo các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả ống hít khi thực hiện đo dung tích sống gắng sức.
- Thảo luận trước với bác sĩ về tình trạng hô hấp hiện tại nếu như tiếp xúc với khói thuốc lá, nhiễm trùng phổi,…
- Nếu thấy chóng mặt hoặc khó thở, hãy báo ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ hồi phục.
- Nếu các triệu chứng kéo dài, không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng, người bệnh được kiểm tra oxy và bổ sung oxy nếu cần.
Kết quả đo dung tích sống gắng sức
Kết quả đo dung tích sống gắng sức thường được so với FVC tiêu chuẩn theo độ tuổi, giới tính, cân nặng và chiều cao hoặc so sánh với các giá trị FVC trước đó (để đánh giá tình hình tiến triển của bệnh phổi hoặc hiệu quả điều trị). Ở người lớn, FVC bình thường nằm trong phạm vi từ 3 – 5 L.
Tỷ lệ dung tích sống gắng sức và dung tích sống (VC) thường >80%. Chỉ số FVC thấp có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hô hấp như:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
- Các bệnh đường hô hấp hạn chế như xơ phổi vô căn, sarcoidosis.
- Vẹo cột sống và sẹo ngực.
- Viêm phổi, bụi phổi amiang, bụi phổi silic, ung thư phổi.
Dung tích sống gắng sức giảm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hô hấp
Trên đây là một số thông tin về dung tích sống gắng sức. Nếu bạn đọc muốn được tư vấn thêm về các bệnh lý mãn tính đường hô hấp như hen phế quản, viêm phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hãy gọi đến tổng đài miễn cước 1800.1044 nhé. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Thiếu oxy máu do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Cảnh báo: Lạm dụng thuốc cắt cơn, người bệnh hen suyễn tăng nguy cơ nhập viện