Nội dung chính
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, ngành y học cũng có những bước tiến mới trong quá trình điều trị bệnh, điển hình là phương pháp tế bào gốc. Chúng được nghiên cứu để áp dụng trong các bệnh lý như tim, đột quỵ, ung thư, viêm xương khớp, chấn thương cột sống, tiểu đường loại 1, bệnh Alzheimer… và gần đây nhất là điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Phương pháp ghép tế bào gốc là gì?
Cơ thể chúng ta được tạo thành từ nhiều loại tế bào khác nhau. Trong đó, các tế bào đều được tạo ra từ tế bào gốc.
Tế bào gốc là loại có thể phân chia thành các tế bào con khác nhau. Các tế bào con này hoặc trở thành tế bào gốc mới (tự đổi mới) hoặc trở thành tế bào chuyên biệt với chức năng cụ thể hơn, chẳng hạn như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ tim hoặc tế bào xương…
Tế bào gốc là loại duy nhất có khả năng sản sinh tự nhiên các loại tế bào mới. Nhờ đó, chúng có thể tái tạo hoặc sửa chữa các mô và cơ quan bị bệnh. Dựa vào đặc điểm đó, ngành y đã nghiên cứu và cho ra đời phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị bệnh tật.
Dựa vào nguồn gốc lấy tế bào, các nhà nghiên cứu đã chia tế bào gốc thành các nhóm sau:
Tế bào gốc phôi (embryonic stem cell)
Tế bào gốc phôi lấy từ trứng đã thụ tinh được khoảng 3-5 ngày ở các cơ sở y tế nhưng không được cấy vào tử cung của người phụ nữ. Chúng có thể sống và phát triển trong các dung dịch đặc biệt ở ống nghiệm hoặc đĩa petri.
Một phôi trứng có khoảng 150 tế bào gốc.
Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell)
Những tế bào gốc này được tìm thấy với số lượng nhỏ trong hầu hết các mô trưởng thành, chẳng hạn như tủy xương hoặc chất béo. So với tế bào gốc phôi, khả năng sản sinh tế bào mới của tế bào gốc trưởng thành kém hơn.
Tế bào gốc trưởng thành thường lấy ở mô mỡ
Trước đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tế bào gốc trưởng thành chỉ có thể tạo ra loại tế bào tương tự, ví dụ tế bào gốc ở tủy xương chỉ có thể sinh ra các tế bào máu. Tuy nhiên, bằng chứng mới cho thấy các tế bào gốc trưởng thành có thể tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau. Ví dụ, tế bào gốc tủy xương có thể tạo ra các tế bào cơ xương hoặc tim.
Theo đó, các thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện để kiểm tra tính hữu ích và an toàn ở người về loại tế bào gốc trưởng thành.
Tế bào gốc thai (fetal stem cell):
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nguồn tế bào gốc có trong nước ối cũng như máu cuống rốn. Những tế bào gốc này cũng có khả năng sản sinh thành các tế bào chuyên biệt.
Tìm hiểu phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Trước khi tìm hiểu phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh COPD trước nhé.
Đôi nét về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh mà chức năng thông khí của phổi bị suy giảm không hồi phục do viêm phế quản mạn tính và/hoặc khí phế thũng (giãn phế nang).
Phổi bị tổn thương không hồi phục làm suy giảm chức năng thông khí
Những tác nhân ô nhiễm không khí như bụi, khói thuốc lá, khí độc… làm phổi bị tổn thương, suy giảm chức năng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Khi mắc COPD, người bệnh thường bị ho đờm, khó thở. Trong trường hợp có đợt cấp, các triệu chứng trở nên rầm rộ hơn, người bệnh dễ bị suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường được điều trị bằng thuốc tây như thuốc giảm ho, long đờm, giãn phế quản, kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. Trường hợp nặng, người bệnh COPD sẽ phải dùng thêm liệu pháp oxy tại nhà.
Thời gian gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm phương pháp ghép tế bào gốc giúp cải thiện COPD.
Tìm hiểu phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Với các đối tượng bệnh lâu năm, thể nặng, phải nhập viện nhiều lần vì cơn cấp, đồng thời chức năng hô hấp dưới 60% sẽ được bác sĩ chỉ định áp dụng cấy ghép tế bào gốc.
Người COPD giai đoạn nặng sẽ được chỉ định cấy ghép tế bào gốc
Các bác sĩ sẽ lấy tế bào gốc trưởng thành từ mô mỡ của chính người bệnh để cấy ghép. Nhờ khả năng sản sinh nhiều loại tế bào mới và có thể di chuyển đến vùng bị tổn thương, giúp kháng viêm, điều hòa miễn dịch, các tế bào gốc trưởng thành có thể tác động vào cơ chế bệnh sinh của COPD. Từ đó, chúng làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành tự thân giúp người bệnh tránh được nguy cơ liên quan đến thải ghép.
PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, đến nay đã có 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Kết quả cho thấy chưa có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ, tủy xương. Sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt.
Dù chưa được áp dụng rộng rãi nhưng kết quả bước đầu cho thấy, phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là rất có triển vọng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này.
Những trường hợp không áp dụng được biện pháp tế bào gốc
– Bệnh nhân các bệnh phổi khác không phải phổi tắc nghẽn mãn tính.
– Bệnh nhân ung thư, suy tim, suy gan, suy thận nặng.
– Bệnh nhân đang nhiễm trùng cấp tính.
– Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc dự định có thai.
– Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có chỉ số HbA1c >7%.
– Đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch đường uống hoặc tiêm.
– Những người đang hút thuốc lá hoặc mới bỏ thuốc lá trong vòng 3 tháng.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng tế bào gốc cần tiêu chuẩn gì?
Một số tiêu chuẩn để áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:
– Bệnh nhân được chẩn đoán phổi tắc nghẽn mạn tính ở mức độ nặng và rất nặng, trong độ tuổi từ 40 đến 80.
– Chỉ số FEV1 (đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân) ≤ 60%.
– Có ít nhất 2 đợt cấp hoặc ít nhất 1 đợt cấp phải nhập viện trong 1 năm trước đó.
Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mong rằng trong tương lai phương pháp này mở ra thêm những hy vọng mới cho người bệnh COPD mức độ nặng, kéo dài thời gian sống hiệu quả.
XEM THÊM:
- Những cách làm sạch phổi đơn giản ngay tại nhà mà bạn không thể bỏ qua
- Biến chứng COPD nguy hiểm như thế nào?