Nội dung chính
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe mỗi người, giúp tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, với một số người thì tập thể dục lại là yếu tố khởi phát cơn hen (thường được gọi là hen suyễn do tập thể dục). Tại sao lại như vậy? Có phải những người bị hen suyễn do tập thể dục cần phải tránh xa các môn thể thao suốt đời không? Làm sao để khắc phục tình trạng này?
Hen suyễn do tập thể dục là gì?
Hen suyễn do tập thể dục là gì?
Hen suyễn do tập thể dục (còn được gọi là co thắt phế quản do tập thể dục) là tình trạng đường dẫn khí trong phổi bị co thắt khi hoạt động thể chất. Tình trạng này khiến người bệnh thấy khó thở, ho, thở khò khè.
Khoảng 90% người mắc bệnh hen phế quản gặp tình trạng này. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị hen suyễn do tập thể dục thì đều mắc bệnh hen phế quản. 10% những người không có tiền sử hen nhưng vẫn bị co thắt phế quản do tập thể dục.
Triệu chứng hen phế quản do tập thể dục
Tùy theo từng đối tượng bệnh nhân mà các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường xuất hiện trong vòng vài phút sau khi bạn bắt đầu tập thể dục hoặc kết thúc buổi tập.
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn do tập thể dục là:
- Ho sau khi chạy hoặc hoạt động thể chất. Ở nhiều người thì ho là triệu chứng duy nhất.
- Thở khò khè.
- Khó thở hoặc thở gấp, bạn có thể cảm thấy khó đẩy không khí ra khỏi phổi.
- Đau hoặc tức ngực.
- Vô cùng mệt mỏi.
Các triệu chứng này thường bắt đầu cải thiện sau khi bạn nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Nhưng đôi khi chúng lại quay trở lại sau khi bạn tập xong tầm 12 tiếng và ngay khi bạn đang nghỉ ngơi. Đây được gọi là các triệu chứng “giai đoạn cuối”, và có thể phải cần đến một ngày để các triệu chứng giai đoạn cuối biến mất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hen suyễn do tập thể dục
Thông thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ đi qua đường mũi và được mũi làm ấm và giữ ẩm trước khi đi vào phế quản. Tuy nhiên, khi hoạt động thể chất, chúng ta thường hít vào bằng miệng thường xuyên hơn. Lúc này, không khí đi vào phế quản vẫn lạnh và khô.
Ở một vài người, các dải cơ xung quanh đường thở rất nhạy cảm với nhiệt độ và độ ẩm của không khí đi vào. Khi đó, chúng sẽ phản ứng với sự khô và lạnh của không khí bằng cách co lại khiến đường thở trở nên hẹp hơn.
Bệnh hen suyễn do tập thể dục sẽ nặng hơn khi:
- Thời tiết lạnh và độ ẩm thấp, ví dụ mùa đông.
- Không khí có mức độ ô nhiễm cao.
- Bệnh nhân đang hồi phục sau khi bị cảm lạnh hoặc các bệnh đường hô hấp.
- Bệnh nhân hít phải khói, hóa chất hoặc mùi sơn trong khi tập.
>> Xem thêm: Mối liên hệ giữa chất lượng không khí và hen phế quản.
Tập thể dục trong thời tiết lạnh dễ gây khởi phát cơn hen
Nên tập các môn thể thao nào khi bị hen suyễn do tập thể dục?
Bị hen suyễn do tập thể dục không có nghĩa là bạn hoàn toàn phải tránh xa các hoạt động bổ ích này. Để tránh khởi phát cơn hen, bạn nên và không nên tập các môn thể thao sau:
Các môn thể thao nên tránh
Các môn thể thao dưới đây thường gây khởi phát các triệu chứng hen suyễn:
- Các môn thể thao yêu cầu sức bền: Như chạy đường dài, bóng đá, bóng rổ,…. Đây là những môn thể thao đòi hỏi bạn phải thở mạnh và liên tục mà không được nghỉ ngơi nhiều.
- Những môn thể thao diễn ra khi thời tiết lạnh: Trượt tuyết, trượt băng,…
Những môn thể thao nên tập
Các môn thể thao dưới đây ít gây ra các triệu chứng hen suyễn khi tập thể dục:
- Những môn thể thao tiêu tốn nhiều năng lượng trong thời gian ngắn: Chạy nước rút, bóng chuyền, bóng chày…
- Các môn thể thao hoạt động nhẹ nhàng: Đi xe đạp, đi bộ,…
- Các môn thể thao trong nhà: Như thể dục dụng cụ, yoga,…
- Các môn thể thao thực hiện trong môi trường ấm áp hoặc ẩm ướt: Bơi lội, lặn và chơi bóng nước,.. Tuy nhiên, một số người có triệu chứng hen nặng hơn khi bơi trong bể bơi do chất clo có trong nước. Ngoài ra, bơi trong thời tiết lạnh, hay lặn sâu cũng không phù hợp với người bệnh hen.
Người bị hen suyễn có thể bơi lội
Làm sao để khắc phục tình trạng hen suyễn do tập thể dục?
Sử dụng thuốc để phòng ngừa
Tùy vào tiền sử bệnh và các hoạt động thể chất mà bạn tham gia, các bác sĩ có thể tư vấn cho bạn những loại thuốc sau:
- Thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh: Đây là loại thuốc thường được sử dụng nhất. Bạn sử dụng thuốc trước khi tập từ 10 – 15 phút để ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn. Tác dụng của các loại thuốc này sẽ kéo dài đến khoảng 4 tiếng. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng chúng hàng ngày vì cơ thể có khả năng dung nạp.
- Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: Được sử dụng trước khi tập thể dục từ 30 – 60 phút. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn trong thời gian dài hơn nhóm trên, khoảng 12 tiếng. Tuy nhiên, do thời gian chờ thuốc phát huy tác dụng khá lâu nên chúng không được sử dụng để điều trị khi triệu chứng xuất hiện.
Những lưu ý khi tập để phòng bệnh
Để ngăn ngừa tình trạng hen suyễn do tập thể dục, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Thực hiện các biện pháp khởi động làm ấm cơ thể trước khi tập và nghỉ ngơi hợp lý sau khi tập.
- Nếu thời tiết lạnh, bạn nên tập luyện trong nhà. Nếu tập luyện ngoài trời, bạn nên đeo khẩu trang hoặc choàng khăn qua mũi và miệng.
- Không tập luyện ngoài trời nếu chất lượng không khí thấp (không khí bị ô nhiễm, nhiều khói bụi) hoặc mật độ phấn hoa trong không khí cao.
- Hạn chế tập thể dục khi đang bị nhiễm virus như cảm, cúm, các bệnh viêm đường hô hấp,…
- Tập thể dục ở mức độ phù hợp, không tập luyện quá sức.
Đeo khẩu trang hoặc choàng khăn nếu tập thể dục bên ngoài trong thời tiết lạnh
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về hen suyễn do tập thể dục. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn không nên tránh các hoạt động thể dục thể thao. Chỉ cần lựa chọn chế độ luyện tập phù hợp, bạn có thể nâng cao sức khỏe của mình mà không cần phải lo lắng về triệu chứng hen suyễn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: