Nội dung chính
Lao phổi là một trong những bệnh hô hấp mãn tính nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh này còn dễ lây, dễ tái phát và nhiều biến chứng. Người mắc bệnh lao phổi thường suy kiệt dần, cuối cùng là tử vong.
Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy tìm hiểu về triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lao phổi tái phát nhé!
Bệnh lao phổi: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tái phát
Bệnh lao phổi là gì?
Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis. Vi khuẩn này gây bệnh chủ yếu tại phổi (khoảng 80 – 90% các trường hợp). Ngoài ra, nó còn có thể gây bệnh tại hạch, màng não, xương,… Các trường hợp đó được gọi chung là lao ngoài phổi.
Các giai đoạn của bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi được chia thành 2 giai đoạn là: Tiên phát (sơ nhiễm), và hậu tiên phát (lao bệnh). Theo đó:
Lao phổi tiên phát
Đây là tình trạng phổi bị tổn thương sau khi tiếp xúc với vi khuẩn lao lần đầu. Vi khuẩn lao xâm nhập vào phổi do chúng ta hít phải các giọt bắn, dịch tiết từ người bệnh ho, hắt hơi.
Sau đó, chúng sẽ gây ra những tổn thương và rồi trú ngụ trong các cấu trúc ở dạng ngủ. Kết thúc giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có miễn dịch tương đối với vi khuẩn lao.
Lao phổi hậu tiên phát
Lao phổi hậu tiên phát là bệnh lao ở người đã có đáp ứng miễn dịch với vi khuẩn lao. Đây có thể là sự tiến triển của giai đoạn lao tiên phát, hoặc tổn thương phát triển ở người trước đây đã khỏi lao tiên phát.
Thực tế, có đến 90% người bị nhiễm trùng lao không phát triển thành bệnh lao lâm sàng trong suốt đời. Chỉ khoảng 10% người nhiễm vi khuẩn lao sẽ phát triển thành bệnh. Trong đó, 5% trường hợp xuất hiện sớm trong 5 năm đầu tiên, và 5% xuất hiện muộn.
Bệnh lao phổi xảy ra là do nhiễm phải vi khuẩn lao
Các triệu chứng bệnh lao phổi điển hình
Thông thường, thời gian ủ bệnh lao phổi có thể diễn ra trong vòng từ 4 – 12 tuần. Tuy nhiên, thời gian này có thể kéo dài rất nhiều năm tùy vào sức đề kháng của người nhiễm. Trong thời kỳ ủ bệnh, người nhiễm không có hoặc có rất ít triệu chứng lao phổi.
Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ có những triệu chứng bệnh lao phổi điển hình như:
- Ho kéo dài trên 3 tuần, ho khan hoặc ho có đờm, khạc ra đờm xanh. Ho không do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi. Người bệnh dùng nhiều loại thuốc nhưng vẫn không giảm ho.
- Ho ra máu là triệu chứng được bắt gặp ở 60% người bệnh lao phổi.
- Đau ngực, hít thở khó khăn hơn.
- Gầy rộc, sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân, bồi bổ nhiều nhưng vẫn không cải thiện.
- Sốt về chiều, thường thấy nhất là sốt nhẹ, kèm gai lạnh. Một số trường hợp có thể sốt cao, sốt thất thường.
- Đổ mồ hôi về đêm.
- Mệt mỏi, chán ăn, thiếu ngủ, cảm giác không còn năng lượng.
Đối tượng dễ mắc bệnh lao phổi
Lao rất dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp, khi hít phải giọt bắn chứa vi khuẩn. Một người bệnh có thể lây cho 10 – 15 khác theo con đường này. Trong đó, những đối tượng dễ mắc bệnh lao phổi là:
- Trẻ em và người cao tuổi.
- Người có tiếp xúc, nói chuyện, chăm sóc gần gũi với người mắc bệnh lao.
- Người sống và làm việc tại vùng có tỷ lệ mắc lao cao, hay nơi có bệnh nhân lao sinh sống.
- Người bị suy giảm miễn dịch như: Nhiễm HIV, bệnh gan, tiểu đường, ung thư hạch bạch huyết, suy thận, chạy thận, xạ trị, hóa trị, ghép tạng, dùng corticoid, bệnh tự miễn, suy dinh dưỡng,…
- Người nghiện rượu, bia, hút thuốc lá nhiều, sử dụng ma túy,…
- Người mắc bệnh bụi phổi silic.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc lao cao hơn
Bệnh lao phổi có nguy hiểm không?
Lao phổi là một bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị sớm và dùng thuốc đúng phác đồ. Các biến chứng của bệnh lao phổi là:
- Tràn dịch và tràn khí màng phổi có thể làm giảm thể tích phổi, gây xẹp phổi. Điều này sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp tính, khiến người bệnh bị ngạt thở và tử vong.
- Xơ phổi do vi khuẩn lao phá hủy phổi không ngừng. Đây là tình trạng tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi, làm giảm chức năng trao đổi khí. Người bệnh sẽ bị suy hô hấp, suy kiệt dần và cuối cùng là tử vong.
- Giãn phế quản làm tăng nguy cơ bội nhiễm tái diễn, ho ra máu nhiều.
- U nấm phổi Aspergillus do hít phải các bào tử nấm Aspergillus fumigatus. Nấm sẽ phát triển mạnh tại các hang lao gây ho ra máu nhiều, dai dẳng.
Điều trị bệnh lao phổi bằng cách nào?
Hiện nay, việc điều trị sẽ được tiến hành từ khi lao chưa phát triển thành bệnh (lao tiềm ẩn). Việc điều trị cho những đối tượng này thường dễ dàng hơn nhiều vì số lượng vi khuẩn lao không nhiều. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị lao tiềm ẩn có thể kể đến là: Rifampin (RIF), Isoniazid (INH) và Rifapentine (RPT).
Với người đã phát bệnh, việc điều trị lao khó khăn hơn vì số lượng vi khuẩn nhiều. Đồng thời, vi khuẩn lao rất dễ đề kháng kháng sinh nên phác đồ thường phải kết hợp nhiều loại kháng sinh. Phác đồ sẽ chia thành 2 giai đoạn là tấn công và củng cố. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 6 – 8 tháng, hoặc hơn tùy vào thể trạng người bệnh.
Trong quá trình điều trị, người bệnh lao phổi cần lưu ý những điều sau đây:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, uống thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày.
- Tái khám đúng hẹn.
- Có ý thức giữ gìn, cẩn thận không lây bệnh cho người khác, giữ vệ sinh cá nhân.
- Báo ngay cho bác sĩ khi bị sốt, ớn lạnh, ho kèm đờm đổi màu hoặc có máu, các triệu chứng không thuyên giảm dù dùng thuốc đều.
Phòng ngừa lao tái phát bằng cách nào?
Lao phổi tái phát là tình trạng bệnh lao đã điều trị khỏi nhưng bị mắc trở lại. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến điều này, như dùng thuốc không đúng, tiếp xúc với nguồn lây, suy giảm đề kháng,…
Để phòng ngừa lao tái phát, người bệnh cần thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Tuân thủ việc điều trị và tái khám định kỳ.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bằng cách đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, hạn chế đến những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, tắm nắng, bổ sung lợi khuẩn đường ruột, suy nghĩ lạc quan, tích cực và sử dụng sản phẩm BoniDetox của Mỹ.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích nhất cho quý độc giả về bệnh lao phổi. Nếu có băn khoăn về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Hãy dùng máy lọc không khí để bảo vệ phổi ngay từ bây giờ
- Chụp X quang hen phế quản có ý nghĩa gì trên lâm sàng?