Nội dung chính
Chụp CT phổi là kỹ thuật được áp dụng phổ biến trong y khoa, không chỉ giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý ở phổi mà còn giúp xác định mức độ tổn thương của phổi, mức độ lây lan của hạch bạch huyết cùng với các tế bào ung thư. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ có định hướng phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Kỹ thuật chụp CT phổi là gì?
Kỹ thuật chụp CT phổi là gì?
Kỹ thuật chụp CT phổi hay chụp cắt lớp vi tính phổi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn.
Người bệnh sẽ được quét bởi máy chụp cắt lớp. Các tia X chiếu ra từ máy xuyên qua mô mềm của cơ thể. Sau đó, bộ phận tiếp nhận và xử lý tín hiệu tái tạo lại hình ảnh bên trong phổi, cuối cùng hiển thị trên màn hình máy tính. Ảnh thu được có thể là 2D hoặc 3D.
Nhờ hình ảnh chi tiết và rõ nét mà chụp CT phổi đang được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Nó không chỉ giúp chẩn đoán các bệnh lý ở phổi mà còn giúp xác định mức độ tổn thương của phổi, mức độ lây lan của hạch bạch huyết cùng với các tế bào ung thư. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ dễ dàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khi nào nên chụp CT phổi?
Thông thường, kỹ thuật chụp CT phổi phải được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và thường được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- Gia đình có tiền sử bị bệnh ung thư phổi.
- Thường xuyên bị khó thở, khó nuốt, ho ra máu không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiễm chất phóng xạ, khói bụi, các chất độc hóa học…
- Gặp chấn thương nghiêm trọng ở vùng ngực, nghi ngờ có tổn thương phổi.
- Bị viêm phế quản nặng, viêm phổi kẽ hoặc các bệnh lý khác liên quan đến bộ phận này.
- Người từ 50 tuổi trở lên nghiện hút thuốc lá lâu năm.
Người bị ho ra máu không rõ nguyên nhân nên chụp CT phổi
Quy trình chụp CT phổi trong y khoa
Trước khi chụp CT phổi, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin, tiền sử bệnh cho bác sĩ, đặc biệt là tình trạng mang thai để lựa chọn phương pháp khám phù hợp.
Sau khi đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này, người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Test thuốc cản quang. Nếu không bị dị ứng, người bệnh cần nhịn ăn từ 4-6 tiếng để tiêm thuốc.
- Mặc đồ của bệnh viện khi chụp.
- Tháo bỏ tất cả trang sức và những vật dụng bằng kim loại trên người.
- Tiến hành chụp và thay đổi tư thế theo sự hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên.
Sau khi chụp CT phổi xong, bệnh nhân trở lại sinh hoạt như bình thường. Một số trường hợp đặc biệt thì nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ưu nhược điểm của kỹ thuật chụp CT phổi
Về ưu điểm
Chụp CT là kỹ thuật rất hiệu quả trong việc tìm ra các đám mờ và đánh giá chi tiết những tổn thương ở phổi. Qua đó, nó giúp hạn chế tình trạng bỏ sót tổn thương khó phát hiện.
Cụ thể, các ưu điểm của kỹ thuật chụp CT phổi bao gồm:
- Phát hiện những thương tổn có thể bị bỏ sót khi chụp X-quang phổi.
- Nhận dạng rõ ràng và chi tiết các tổn thương phổi như kích thước khu vực tổn thương, mức độ tổn thương…
Chụp CT phổi giúp phát hiện các tổn thương dễ bị bỏ sót khi chụp X-quang
Về nhược điểm
Chụp CT phổi sử dụng nguồn năng lượng bức xạ tia X. Bởi vậy, người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm xạ. Vì lượng bức xạ này mang tính tích lũy nên bạn không nên chụp CT phổi 2 lần liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn.
Thêm nữa, người bệnh dễ bị dị ứng thuốc cản quang trước khi chụp CT. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp dị ứng sẽ tự khỏi trong vài ngày.
Chi phí khi chụp CT phổi
Giá cả khi chụp CT phổi ở mỗi cơ sở y tế là khác nhau, dao động từ 900.000 – 4.000.000 đồng. Chi phí này còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
Có dùng thuốc cản quang hay không
Thuốc cản quang (hay còn gọi là chất liệu tương phản tĩnh mạch) có tác dụng làm rõ nét hình ảnh và kết quả thu được.
Bác sĩ sẽ quyết định nên hay không nên sử dụng thuốc cản quang tùy vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Mức chi phí sẽ cao hơn khi sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp CT phổi.
Chất lượng máy chụp cắt lớp
Giá thành sẽ cao hơn so với những nơi khác nếu người bệnh lựa chọn chụp CT phổi tại:
- Trung tâm y tế uy tín, chất lượng.
- Hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Đội ngũ bác sĩ thực hiện
Chụp CT phổi giá bao nhiêu còn phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ phụ trách. Nếu bạn được các bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm làm việc, đảm bảo đọc kết quả chính xác, hỗ trợ tối đa cho quá trình khám và điều trị thì phần chi phí đôi khi sẽ cao hơn một chút.
Tóm lại, chụp CT phổi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả và rủi ro tương đối thấp. Để biết tình hình sức khỏe của bản thân, nhất là khi đang mắc các bệnh lý ở phổi, bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và chụp CT nếu cần thiết. Chúc các bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Cách cải thiện chất lượng không khí trong nhà cho người bệnh hen suyễn
- Một số thông tin chung về các loại thuốc điều trị hen phế quản