U phổi là gì? Phân biệt u phổi lành tính và ung thư phổi

Nội dung chính

 

   Nhiều người khi được chẩn đoán u phổi thì rất lo lắng vì nghĩ rằng mình đã bị ung thư phổi. Vậy nhưng, sự thật không phải vậy. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về u phổi và cách phân biệt u phổi lành tính với ung thư phổi. Mời các bạn theo dõi nhé!

 

U phổi có phải ung thư phổi không?

 

U phổi là gì?

   U phổi là sự tích tụ bất thường của mô phổi, có thể do các tế bào phân chia quá nhanh hoặc không chết đi như bình thường. Vị trí xuất hiện u phổi là mô phổi hoặc đường hô hấp dẫn đến mô phổi.

   U phổi được phân chia thành u phổi lành tính và u phổi ác tính (hay còn gọi là ung thư phổi).

 

Phân biệt u phổi lành tính và ung thư phổi

   Theo các chuyên gia, u phổi lành tính và ung thư phổi có những đặc điểm khác biệt sau:

 

Đặc điểm U phổi lành tính Ung thư phổi
Đặc điểm khối u Nốt càng nhỏ thì càng có khả năng là lành tính.

Hàm lượng canxi trong khối u cao hơn.

Khối u thường mịn và có hình dạng đều đặn

Kích thước thường lớn hơn.

Hình dạng không đều, bề mặt thô ráp.

Màu sắc hoặc hoa văn lốm đốm.

Tốc độ phát triển Thường phát triển chậm, có trường hợp còn nhỏ lại. Tốc độ phát triển rất nhanh, thời gian nhân đôi trung bình là 4 tháng.
Đặc điểm xâm lấn Không xâm lấn tổ chức xung quanh và di căn đến các cơ quan khác. Xâm lấn và chèn ép các mô lân cận, thậm chí di căn đến các cơ quan khác ngoài phổi.
Tuổi khởi phát Có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tỷ lệ xuất hiện cao ở người lớn tuổi.
Nguy cơ với sức khỏe Ít gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, trừ khi chúng xuất hiện gần các mạch máu lớn trong ngực. Đe dọa tới tính mạng người bệnh, tỷ lệ tử vong cao.
Khả năng tái phát Tái phát tại vị trí cũ. Có thể tái phát tại các vị trí xung quanh.

 

   Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ càng hơn về các đặc điểm của u phổi lành tính.

>>> Xem thêm: Ung thư phổi – Những điều cần biết để phòng ngừa ngay từ bây giờ.

 

Nguyên nhân xuất hiện u phổi lành tính

   Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây ra u phổi lành tính vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Tuy nhiên, chúng có thể xuất phát từ một số vấn đề như:

  • U hạt: Do vi khuẩn (ví dụ vi khuẩn lao trong lao phổi) hoặc do nấm (ví dụ nấm Histoplasma hoặc nấm Coccidioides).
  • Áp xe phổi.
  • Nhiễm phải virus gây u nhú ở người (HPV).
  • Bệnh nhân có các dị tật bẩm sinh như u nang phổi, sẹo hoặc dị tật phổi khác.
  • Viêm do mắc phải một số bệnh lý như sarcoidosis, viêm khớp dạng thấp hoặc u hạt Wegener.
  • Hút thuốc lá lâu năm.

 

Virus gây u nhú ở người nhiễm HPV có thể dẫn đến u phổi

 

Các loại u phổi lành tính thường gặp

Mô thừa dạng bướu (Hamartoma)

   Đây là loại u phổi lành tính phổ biến nhất (chiếm tỷ lệ 55% số lượng u phổi lành tính và 8% số lượng u phổi). U phổi dạng này có tỷ lệ xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, độ tuổi từ 50 – 70 tuổi.

  • Vị trí: 80% Hamartoma được tìm thấy ở ngoài mô liên kết của phổi, còn lại ở bên trong ống phế quản.
  • Cấu tạo: Từ mô sụn, mô liên kết, mỡ và cơ với số lượng bất thường.
  • Kích thước: Thường nhỏ hơn 4cm.
  • Hình ảnh X – quang phổi: Có dạng khối tròn giống đồng xu hoặc hình giống bỏng ngô.
  • Hamartomas thường ở cố định một chỗ và không xâm lấn vào các mô khác gần đó.

U tuyến phế quản

   Đây cũng là một loại u phổi lành tính phổ biến. U tuyến phế quản thường phát triển tại phế quản của phổi hoặc trong chất nhầy của khí quản.

U nhú

   U nhú thường phát triển trong ống phế quản, được chia thành 3 loại:

  • U vảy: Xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, do virus gây u nhú ở người (HPV) gây ra.
  • U tuyến: Xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là người lớn. U tuyến thường xuất hiện đơn độc, ở trung tâm.
  • U vảy và tuyến hỗn hợp: Loại u nhú này có nguy cơ phát triển thành ung thư.

 

Triệu chứng u phổi lành tính

   U phổi lành tính thường không gây ra bất kỳ triệu chứng điển hình nào mà chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi chụp X – quang phổi hoặc chụp CT phổi.

   Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng sau:

  • Ho nhẹ kéo dài.
  • Ho ra máu.
  • Thở dốc, khó thở, thở khò khè.
  • Có tiếng ran ở phổi.

 

Bệnh nhân u phổi có thể ho ra máu

 

Chẩn đoán u phổi lành tính

   Để chẩn đoán và kết luận một khối u tại phổi là lành tính, bên cạnh việc xem xét bệnh sử và tiến hành thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X – quang phổi nhiều lần.

  • U phổi giữ nguyên kích thước trong vòng ít nhất 2 năm thì được coi là lành tính. Bác sĩ vẫn sẽ tiến hành kiểm tra mỗi năm trong vòng 5 năm để đảm bảo nó thật sự là u lành.
  • Nếu u phổi có sự thay đổi về kích thước hay hình dáng, bạn sẽ phải làm thêm những xét nghiệm khác để biết khối u này có phải là ung thư không, như:
  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm lao phổi.
  • Sinh thiết và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem nó là u lành hay ác tính.
  • Nội soi phế quản để quan sát đường thở.
  • Chụp CT phổi, CT phát xạ ảnh đơn (SPECT).
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron.

 

Điều trị u phổi lành tính

   Hầu hết trường hợp u phổi lành tính không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi. Bác sĩ sẽ đề nghị bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) nhằm theo dõi bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của khối u.

   Tuy nhiên, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật nếu thuộc những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân nghiện thuốc lá lâu năm, nguy cơ bị ung thư cao;
  • Kết quả các xét nghiệm không được khả quan, cho thấy u lành có thể tiến triển thành u ác tính;
  • Người bệnh có dấu hiệu khó thở và khó chịu về hô hấp;
  • Khối u phổi vẫn tiếp tục phát triển và thay đổi về cấu trúc, hình dạng.

 

Bệnh nhân u phổi có tiền sử hút thuốc lá lâu năm có nguy cơ bị ung thư cao

 

Biện pháp phòng ngừa u phổi

   Để phòng ngừa u phổi, bạn nên:

  • Ngừng hút thuốc: Thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, kể cả ở những người hút thuốc và những người hút thuốc lá thụ động.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh ô nhiễm không khí, giữ lá phổi sạch, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Chú ý tới môi trường làm việc an toàn: Tránh tiếp xúc khói, bụi, giảm phơi nhiễm hoá chất. Nếu đặc thù công việc phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại như thạch tín, crom, silic, niken…, bạn nên mang đồ bảo hộ phù hợp để tránh hít phải.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên để giúp làm tăng sức khỏe tổng thể, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu được thế nào là u phổi và cách phân biệt u phổi lành tính với ung thư. U phổi lành tính nhìn chung không đáng ngại nếu được phát hiện và điều trị sớm, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chủ quan. Hãy khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình hình sức khỏe của mình bạn nhé!

 

360.000

    Đặt hàng online





    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

    Báo chí nói về chúng tôi

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
    Hotline: 1800 1044
    tích điểm nhân quà