Nội dung chính
Viêm phổi là một trong những bệnh đường hô hấp cấp tính có tỷ lệ tử vong hàng đầu hiện nay. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, thường gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Việc phòng ngừa bệnh và nhận biết sớm dấu hiệu viêm phổi là điều vô cùng quan trọng.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang, bao gồm viêm phế nang, viêm tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.
Viêm phổi là một bệnh lý phổ biến trên thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, người lớn tuổi, người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền kèm theo.
Nguyên nhân gây viêm phổi
Có 4 nguyên nhân chính gây viêm phổi đó là:
Do vi khuẩn
Streptococcus pneumoniae, haemophilus, legionella,… là những vi khuẩn gây bệnh viêm phổi thường gặp. Trong đó, phổ biến nhất phải kể đến Streptococcus pneumoniae.
Do virus
Virus gây viêm phổi có rất nhiều loại như virus cúm Influenza A, B, virus rhinovirus, adenoviruses, virus hợp bào… Người bệnh có thể bị nhiễm loại virus này từ môi trường ô nhiễm hoặc từ những bệnh nhân viêm phổi khác.
Virus là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi
Do nấm
Khi người bệnh tiếp xúc hay hít phải bào tử của nấm sẽ rất dễ bị viêm phổi. Khi mắc phải bệnh do nấm, tình hình phát triển của bệnh sẽ rất nguy hiểm và phức tạp.
Do hóa chất
Đây là bệnh viêm phổi ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Mức độ nặng của bệnh sẽ phụ thuộc vào loại hóa chất, thời gian phơi nhiễm, thể trạng người bệnh…
Ngoài ra các hóa chất gây viêm phổi có thể gây hại đến nhiều cơ quan khác.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi
Bệnh viêm phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi khác nhau, trong đó thường gặp nhất là:
Trẻ em
Trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 5 tuổi, hệ miễn dịch vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, không đủ sức để chống chọi với các tác nhân gây bệnh. Đó là lý do vì sao trẻ nhỏ là đối tượng “ưa thích” của căn bệnh viêm phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển. Và mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4000 trẻ tử vong vì căn bệnh quái ác này.
Người cao tuổi
Người lớn tuổi sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, người cao tuổi rất dễ mắc viêm phổi.
Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc viêm phổi
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai cũng cần phải đề phòng với căn bệnh viêm phổi. Bởi lúc này hệ miễn dịch của chị em suy giảm nên rất dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.
Bệnh viêm phổi có thể ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bao gồm tăng nguy cơ sinh non hoặc dọa sẩy thai…
Các yếu tố rủi ro khác
- Bệnh nhân nằm viện có nguy cơ viêm phổi cao hơn người bình thường.
- Người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, COPD, viêm phế quản mãn tính…
- Người hút thuốc lá.
- Người có hệ miễn dịch kém như người bị nhiễm HIV/AIDS, người đã được ghép tạng, người được hóa trị hoặc dùng steroid dài hạn…
Triệu chứng viêm phổi là gì?
Bệnh nhân viêm phổi thường xuất hiện các triệu chứng điển hình sau:
- Tức ngực, khó thở.
- Ho xuất hiện theo từng đợt, có thể kèm theo đờm đặc.
- Thân nhiệt luôn tăng không giảm, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Một số trường hợp người cao tuổi hoặc hệ miễn dịch kém có thể nhiệt độ cơ thể sẽ thấp hơn thông thường.
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Sốt cao, suy nhược cơ thể là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi
Khi thấy bản thân có một hoặc nhiều triệu chứng trên, các bạn cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm phổi nguy hiểm như thế nào?
Một số biến chứng nguy hiểm bệnh nhân viêm phổi có thể gặp là:
- Nhiễm trùng huyết.
- Suy hô hấp.
- Tràn dịch màng phổi.
- Áp xe phổi.
Phương pháp điều trị viêm phổi
Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm phổi có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm.
Hầu hết các trường hợp viêm phổi nhẹ sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị tại nhà và tái khám lại. Riêng với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bị viêm phổi hoặc người lớn có biểu hiện nặng như sốt cao, co giật, ho ra máu… cần nhập viện ngay lập tức.
Phương pháp điều trị viêm phổi bao gồm:
Điều trị triệu chứng
Để xoa dịu những cảm giác khó chịu khi mắc viêm phổi, các bác sĩ sẽ kê:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau, ví dụ như paracetamol.
- Thuốc ho.
- Thuốc long đờm.
- Thuốc giãn phế quản…
Điều trị nguyên nhân
Các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm lâm sàng để tìm ra nguyên nhân chính xác gây viêm phổi. Với mỗi nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ khác nhau:
- Viêm phổi do vi khuẩn: Sử dụng các loại kháng sinh như Aminopenicillin + ức chế ß-lactamase, Cephalosporin thế hệ thứ 2 hoặc 3, Piperacillin/tazobactam…
- Viêm phổi do virus: Trường hợp này kháng sinh sẽ không có tác dụng. Ngoài các thuốc giảm triệu chứng trên, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi tiến triển của sức khỏe.
- Viêm phổi do nấm: Có thể điều trị bằng các loại thuốc chống nấm đặc hiệu.
Người bệnh lưu ý cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý tăng, giảm liều hay bỏ thuốc đột ngột.
Bệnh nhân viêm phổi cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ
Phòng ngừa viêm phổi bằng cách nào?
Viêm phổi có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả những người đã từng khỏi bệnh cũng có nguy cơ tái phát. Do đó, tất cả chúng ta đều cần phòng ngừa căn bệnh này bằng cách:
- Tiêm phòng: Hiện nay đã có sẵn các loại vacxin để ngăn ngừa một số bệnh viêm phổi, cúm, bạn nên tiêm phòng sẵn.
- Tăng cường vệ sinh: Rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa khói thuốc.
- Đeo khẩu trang khi đi ra đường hoặc những nơi có nhiều khói bụi.
- Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch: Tắm nắng, bổ sung lợi khuẩn, tập thể dục đều đặn, xây dựng chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý…
Những thông tin chi tiết liên quan đến căn bệnh viêm phổi nguy hiểm đã được chúng tôi trình bày trong bài viết trên. Nếu có vấn đề băn khoăn nào khác, bạn vui lòng liên hệ số hotline 18001044 trong giờ hành chính để được giải đáp chi tiết nhé!
XEM THÊM:
- 8 nguyên nhân khiến bạn bị ho dai dẳng
- Khám những gì để phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD?